Băng thệ nghị tang Đậu Diệu

Năm Hi Bình nguyên niên (172), tháng 6, mẹ của Thái hậu qua đời khi lưu đày, Thái hậu đổ bệnh. Ngày 10 tháng 6 (tức ngày ngày 17 tháng 8 dương lịch), Hoàng thái hậu Đậu thị băng ở Nam Cung, không rõ bao nhiêu tuổi, tại vị 7 năm[18][19].

Các hoạn quan vẫn rất oán hận Đậu Thái hậu, dùng xe đưa thi thể bà ở chợ Nam mấy ngày, còn tính dùng lễ Quý nhân an táng. Vẫn là Hán Linh Đế niệm tình Thái hậu, nói:"Thái hậu thân lập Trẫm, thống thừa đại nghiệp. Kinh Thi viết:'Vô đức bất báo, vô ngôn bất thù', huống hồ bây giờ lại dùng lễ Quý nhân chứ?", do đó Linh Đế kiên quyết phát tang. Tào Tiết không muốn thế, kiến nghị đưa bà đi nơi khác an táng, đem di thể Phùng Quý nhân hợp táng với Hán Hoàn Đế. Hán Linh Đế vì thế đưa ra tranh nghị, lệnh Trung thường thị Triệu Trung tham nghị.

Quần thần đều bảo vệ tư cách của Thái hậu, có Thái úy Lý Hàm (李咸) bệnh đã liệt giường vẫn kiên quyết tham gia, tay còn mang thuốc độc, ông nói với vợ rằng rằng:"Nếu Hoàng thái hậu không xứng hợp táng với Hoàn Đế, thì ta không thiết sống quay về nhà làm gì!". Khi tham nghị, người ngồi hơn 100 người, im lặng một hồi lâu thì Đình úy Trần Cầu (陈球) tâu:"Hoàng thái hậu phẩm đức cao thượng, xuất thân trong sạch, mẫu lâm thiên hạ, phối thời với Tiên Đế, không chỗ nào không đúng!". Triệu Trung xin Trần Cầu nghị bút để tường trình nghị sự, Trần Cầu viết:"Hoàng thái hậu chính vị Tiêu Phòng, có đức độ của bậc mẫu nghi. Gặp nguy biến, viện lập Thánh minh thừa kế tông miếu, công lao to lớn. Tiên Đế án giá, Thái hậu bị giam cầm trong cung trống, bất hạnh sớm mất. Nhà họ Đậu tuy bị hạch tội, nhưng sự việc chẳng hề liên can tới Thái hậu. Nay nếu không táng, sẽ thành sự thất vọng của cả thiên hạ! Hơn nữa mộ của Phùng Quý nhân bị trộm, hài cốt tổn hại, lấy gì xứng để hợp táng cùng Tiên Đế?!”. Trần Trung xem xong, tức giận đến sắc mặt đại biến, nhưng cũng chỉ có thể nuốt bồ hòn làm ngọt. Toàn bộ triều đình do Thái úy Lý Hàm cổ động lên tiến đồng tán thành với nghị thư của Trần Cầu[20][21].

Đám người Vương Phủ cùng Tào Tiết vẫn không chịu được uất hận, dâng tấu nói:"Lương Hoàng hậu là chính thê của Tiên Đế. Sau nhà họ Lương phạm đại tội, mới đem Lương hoàng hậu truất khỏi Ý Lăng vậy. Vũ Đế trách Vệ Hoàng hậu phạm đại tội, chỉ lấy Lý Phu nhân hợp táng. Nay gia tộc họ Đậu phạm phải tội to, như thế nào còn có thể xứng phối thờ với Tiên Đế?!". Thái úy Lý Hàm liền dâng sớ bác bỏ, trong sớ viết:"Thần nhớ Chương Đức Đậu hậu mưu hại Cung Hoài hoàng hậu, An Tư Diêm hậu cùng gia tộc phạm ác nghịch, mà Hoàn Đế vẫn không dị nghị chuyện tang nghi, đến Thuận Đế cũng không biếm hàng. Còn như Vệ hậu, Vũ Đế tự mình ruồng bỏ, không thể so sánh. Nay Trường Lạc Thái hậu vẫn giữ tôn hiệu, từng có thời gian xưng Chế, lại có công lao lập thánh quân, quang long hoàng tộ. Hoàng thái hậu đã lấy Bệ hạ làm con, thì Bệ hạ há đến không lấy ngài làm mẹ! Tử vô truất mẫu, thần vô biếm quân, hợp táng Tuyên lăng, nhất như cựu chế!”[22][23].

Hán Linh Đế quyết định chiếu theo lệ cũ, bác bỏ lời của bọn Tào Tiết, mới hợp táng Đậu Thái hậu vào Tuyên lăng (宣陵) cùng Hán Hoàn Đế, truy dâng thụy hiệuHoàn Tư hoàng hậu (桓思皇后).